VietShipping

Joe- đầu trọc

Jose
Ông bà ta xưa có câu: “Anh em bốn bể là nhà/ Người dưng khác họ vẫn là anh em”. Quả thật, trong suốt quãng đường đời của mình, chúng ta gặp được hằng hà vô số người. Có những người, chỉ đúng nghĩa lướt qua đời nhau, không đọng lại gì; lại có những cuộc gặp gỡ, những con người, tựa như dấu son đẹp đẽ, vẫn hằn in trong lòng chúng ta. Như tôi và Jose là ví dụ.
Jose họ gì tôi cũng không rõ, vì đơn giản, tôi chỉ gọi gã là Jose. Jose tướng đầu trọc, rất to con, và lầm lí ít nói, đến mức nhiều đối tác của tôi ngạc nhiên và hỏi Việt tôi sau khi tham dự những bữa tiệc họp công ty và đại lý của VietShipping, rằng: “Cái ông Mễ đầu trọc hay ngồi cùng bàn nhậu là ai thế?”. Bài này, tôi xin viết đôi dòng tản mạn về Jose – anh Mễ đó.
Việc tôi biết đến Jose cũng là tình cờ. Ngày xưa, khi VietShipping mới thành lập, để tiết kiệm chi phí, tôi phải dùng chiếc xe SUV cà tàng của mình, chở từng kiện, từng kiện hàng lên sân bay. Sau hàng nhiều hơn, thì mướn UHaul. Tôi lái qua đủ, từ UHaul pickup cho tới van, rồi tới xe 10’, 17’, rồi 26’. Mà như quý bà con biết rồi đấy, Việt tôi cũng đâu còn tuổi tác như thời tráng niên “hết khơi ruộng thấp lại bừa ruộng cao” được. Sau một thời gian sức khoẻ giảm sút, tôi quyết định liên hệ một công ty xe tải, nhờ họ giúp VietShipping vận chuyển hàng từ tiệm lên sân bay vào ngày đi hàng. Jose là một trong số những tài xế thuộc công ty đó.
Ban đầu, Jose không để lại trong tôi ấn tượng đặc biệt lắm. Gã cũng giống như bao người lao động chân chính khác: hết sức cần cù, chăm chỉ. Thậm chí, gã còn toát ra vẻ ít nói, khó gần gũi. Nhưng làm chung một hồi rồi, tôi lại thấy thích tính Jose nhất. Đằng sau vẻ ngoài khó gần của Jose, là sự kiên nhẫn và cảm thông sâu sắc. Có vài lần, vì những lí do khách quan, chúng tôi có thiếu sót, khi thì lượng hàng tăng đột biến, quấn pallet không kịp; khi thì đột nhiên máy in dở chứng, không in kịp giấy tờ, phải chạy về nhà in. Khi đó, Jose đều gật đầu giơ ngón tay cái lên kiểu: “Tao hiểu, cứ take your time”.
Tôi tiếng Việt rành hơn tiếng Anh, Jose tiếng Anh kém hơn tiếng Mễ. Cả hai đứa giao tiếp đa phần toàn qua những từ ngắn gọn, hay bằng tay. Nhưng dần dà, từ những lần gặp qua công việc, là vài ly cà-phê hay ổ bánh-mì ăn uống vội để kịp đi hàng. Rồi là chầu nhậu khi tôi kỉ niệm ngày mở tiệm mới, hay cái bánh chưng, bánh trung thu làm quà. Đến một ngày, Jose tâm sự với tôi rằng, gã cảm thấy không hợp làm công ăn lương, gã muốn mua xe tải riêng và tự làm. Gã băn khoăn và hỏi tôi:
Giờ tao mua xe tải riêng, liệu có ổn không, theo mày?
Tôi trả lời gã:
Tao không chắc đâu nha. Nhưng tao hứa với mày, nếu mày vẫn chở hàng tao cẩn thận, uy tín, và đúng giờ, thì công ty tao phát triển mạnh lên, lượng hàng cũng không nhỏ.
 

Đã gần hai năm kể từ buổi nói chuyện đó. Lượng hàng của VietShipping ở khắp Houston lên ngày càng nhiều, đủ để đem lại một lượng lớn thu nhập, giúp Jose có cuộc sống ổn định hơn. Thỉnh thoảng, sau những ly rượu cay và ngồi tâm sự chuyện đời, tôi và Jose ngồi nói về những dự định, những mơ ước lớn lao, xa xôi hơn. VietShipping vẫn còn một quãng đường rất dài và gian nan phía trước, với mong muốn phủ rộng thương hiệu ra khắp cả nước. Jose cũng thế, tầm nhìn của gã chưa dừng lại chỉ ở một cái xe truck này. Và Que será será, điều gì đến rồi sẽ đến. Chỉ biết hiện tại, cả hai đều vẫn rất nỗ lực để cùng đạt được Giấc-mơ-Mỹ của riêng mình.
Và tôi cũng biết ơn tấm lòng của quý bà con đồng hương, đã ủng hộ, để tôi tiếp tục hành trình “kết nối tình thương, về với quê hương” của mình, để tôi “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, biết được thêm nhiều người thú vị, trải qua những mối quan hệ tuyệt vời. Việt tôi mãi ghi khắc tình cảm này trong tâm.
Houston, ngày 11 tháng 10 năm 2020,
Việt.