VietShipping

Mua đồ cũ ở Little Saigon, ‘điểm hẹn’ của người cao niên

Không phải ai cũng có sẵn tiền để sắm đồ mới. Vì thế, có cầu ắt có cung, ở Mỹ có những nơi bán đồ, vật dụng, quần áo, đồ đạc cũ để đáp ứng nhu cầu của những người nghèo, nhất là người cao niên. Với họ, mua đồ cũ vừa tốt, vừa hợp túi tiền, và cũng có khi mua được đồ quý.Nhu cầu khách hàng đến tiệm, mỗi người mỗi khác, và mục đích khác nhau. Có người cho biết ngày nào cũng đi!

Ông Josh johnson, một khách hàng , khoe món hàng vừa mua được

Giá rẻ mà còn “sale”
Ông Jimmy Phạm, 87 tuổi, cư dân Westminster, tâm sự: “Tôi đến tiệm Salvation Army Family Store này để mua sách cũ. Rẻ và rất giá trị. Tôi thích nhất là các sách về y khoa vì ngày xưa ở Việt Nam tôi là bác sĩ y khoa. Sang đây năm 1993. Tuổi già nên không đi học lại được.”
“Tuy vậy, tôi vẫn tình nguyện làm ở chỗ thờ Cha Trương Bửu Diệp, giúp những ai không có bảo hiểm y tế. Tôi hướng dẫn họ mua các loại thuốc không cần toa. Nhiều người khỏi bệnh là tôi vui rồi,” ông nói.

Ông Lê Trần, 74 tuổi, cư dân Garden Grove, đang xem mấy cái tủ kiếng, tay ông rờ theo mặt kính xem có bị trầy hay nứt không.
“Lâu lâu tôi mới đi một lần. Thấy đồ gì thích mới mua. Thế mà năm này qua năm khác, nhà tôi cũng đầy đồ. Tôi phải đem cho bớt để trống nhà. Có lần tôi mua một món về, phải đợi lúc bà xã không để ý, tôi xách tuốt ra sau hè, giấu đi để khi bà ấy không có nhà, lấy ra thưởng thức,” ông nói.
Ông cũng kể lại những món ông mua mà lòng ưng ý: “Có lần tôi mua được cái rương bằng nhựa mica, giá $30. Mua mới phải mấy trăm đô. Lần khác, tôi mua được cái tủ cabinet bóng loáng mà chỉ tốn $15!”
Một người khác, ông Hiệp Lê, 54 tuổi, ở Westminster, cho biết: “Tôi đến tiệm bán đồ cũ chỉ để chơi cho đỡ buồn. Nhưng tôi nhớ nhất là mua được cái tủ gỗ. Tốt số một vì giá $250 mà tôi chỉ mua nửa giá! Gỗ thiệt, hai người khiêng mới nổi, chứ không phải loại như IKEA đâu. Xài không biết khi nào mới hư!”
“Vào tiệm đồ cũ, nhìn mặt hàng cũ nhớ đến quá khứ. Hồi đó tôi muốn mua cũng không đủ tiền. Nay thì ở tiệm này, tôi mua thứ nào cũng được. Cần gì thì đợi ngày 28, 30 cuối tháng hãy mua, vì sale 50%!” ông dặn dò khi nói về tiệm Salvation Army Family Store tọa lạc tại tại số 16119 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.
Còn bà Thanh Trần, cư dân Fountain Valley, kể: “Nhà tôi ở gần đây nên tuần nào cũng đến đây bốn, năm lần!”
Ông Josh Johnson ở Costa Mesa cho biết: “Tôi là khách hàng cũ nơi ông Charles Flyr, quản lý tiệm này, làm ở một tiệm trước đây. Tôi thích ông ấy nên khi ông ấy về đây, tôi đi theo. Hôm nay tôi mua được cái Power Trakbar để cắm các bộ phận khác cho hệ thống Home Theater. Giá có $7.99 gần như mới mà lại được hiệu Monster nổi tiếng. Mua mới phải gần $80!”

Bán lại kiếm lời
Ngắm nghía chiếc bóp xách tay hiệu LV (Louis Vuitton), giá $499, bà Yến Du, cư dân Huntington Beach, xem đi xem lại rồi trả vì: “Bóp này da hơi cứng. Chắc không phải hàng thật!”
Bà kể, bà từng mua được chiếc đồng hồ Gucci, hai màu (two tones) giá $8 tại đây và đang đeo trên tay.
“Mua mới là gần $800 ở Macy’s. Phải biết mới nhận ra hàng thật!” bà nói và cho xem hình chiếc đồng hồ trên trang web.
Chưa hết, bà cho biết bà mua được chiếc nhẫn kim cương 2 carat cũng ở một tiệm Salvation Army ở Tustin: “Tôi mua có $10 thôi. Chưa hết, tôi còn mua được chiếc nhẫn vàng trắng (platinum), 2 carat baguette, mà chỉ có $12. Tôi bán được $2,500!”
Cô Lisa Tạ, phụ tá quản lý Salvation Army Family Store ở Fountain Valley, cho biết từng chứng kiến một ông Mỹ mua một bức tranh $3, sau đó ông trở lại tặng cô $100 tiền “tip” vì ông bán lại bức tranh được $1,500!
Hàng bán không tính thuế
“Tiệm được rất nhiều khách hàng người Việt chiếu cố có lẽ vì ở gần trung tâm Little Saigon. Số đông là các bác cao niên. Các sắc dân khác thì ít hơn. Đặc biệt khách mua sắm đông trong những ngày có giảm giá 50%, thường là vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật cuối tháng,” cô Lisa Tạ nói với Người Việt.
Cô cho hay, Salvation Army Family Store là một tổ chức bất vụ lợi, và nơi cô làm là một trong 34 địa điểm bán các mặt hàng đã có người dùng qua, do mạnh thường quân hay người có đồ dư dùng hiến tặng cho tiệm.

Nơi đây Thứ Hai đến Thứ Bảy mở cửa từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và Chủ Nhật từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối.
“Nói vậy chứ ngày nào cũng là ngày ‘sale’ hết. Không bớt ít thì bớt nhiều. Cá nhân tôi, tôi luôn tìm cách giúp đỡ để các bác vui là được rồi. Có bác đến chỉ để nói chuyện, xem hàng cho vui mắt. Có gì thích mới mua. Tôi biết tâm lý phục vụ, nhất là những người Việt Nam mới qua, nên bác nào cũng muốn đợi tôi có mặt, mới xếp hàng trả tiền!” cô tâm sự thêm.
Trong tiệm có nhiều khu, chia theo loại hàng. Bước vào là khu bàn ghế, tủ, salon, chiếm nhiều chỗ nhất. Bên trái là quần áo tắm, giày dép phụ nữ, nữ trang, đồng hồ. Kế đến là khu quần áo hàng hiệu nổi tiếng, như Polo, CK, Christian d’Or, Nordstrom, Saks Fifth, Victoria Secrets… Rồi đến khu ly, tách, vật dụng linh tinh trong nhà.
Sát tường là khu trưng bày tranh vẽ, sơn dầu, hình ảnh trang trí trong nhà. Khu sách cũ, băng nhạc, CD, DVD. Khu trưng bày xe đạp, nệm giường, tủ lạnh, bếp. Ở giữa là từng dãy trưng quần áo phụ nữ, bóp xách tay, quần áo trẻ em, hành lý, đồ tập thể thao, đồ điện, máy hát, radio, máy ảnh, nồi niêu, áo veston, quần áo, giày dép đàn ông.
Phía sau là nhà kho và là nơi tiếp nhận đồ đạc và các thứ được khách đem tới hiến tặng.

Người điều hành là ông Charles Flyr, quản lý, rất niềm nở: “Tiệm chúng tôi nhằm mục đích chính là phục vụ cộng đồng, hàng bán ra không tính thuế. Chúng tôi dùng tiền bán được, cứ 0.85 cent mỗi một đô la, được dùng để tài trợ những chương trình giúp người uống rượu có thể cai nghiện; người thất nghiệp tìm việc làm. Chúng tôi cũng từng mướn những người này sau khi hoàn tất khóa học.”
Ông Chris Kuszmaul, quản lý tập sự, cho biết thêm rằng: “Tiền bán được cũng được dùng để hỗ trợ những ai có nhu cầu về phương diện tâm linh, vì đó cũng là công việc của Salvation Army.”
Khách muốn hiến tặng đồ cũ có thể đem đến cửa sau, có nhân viên sẽ nhận và đưa biên nhận để khai thuế. Trường hợp cho các đồ vật cồng kềnh, như bàn, salon, tủ lạnh, bếp, có thể gọi 1-800-SA-TRUCK (1-800-728-7825) để làm hẹn cho xe tới chở đi.
(Nguyễn Việt Linh)