Tản MạnTâm sự một doanh nghiệp nhỏ giữa cơn “đại dịch”

April 2, 2020by VietShipping

Xin thân chào quý đồng hương,

Chúng ta đang sống trong một thời điểm đặc biệt. Vài chục năm, hay thậm chí đến cả vài thế kỉ sau, ắt những tài liệu về lịch sử sẽ ghi lại những ngày tháng u ám, đầy âu lo này như một mốc điểm đáng nhớ (theo nghĩa tiêu cực) trong lịch sử của nhân loại. Là một cá nhân, sống giữa tâm bão đại dịch Coronavirus này, tôi có những lo lắng cho bản thân, cho sức khoẻ của riêng gia đình mình; là một chủ doanh nghiệp, tôi băn khoăn về tương lai của cả một tập thể nhỏ mà tôi gầy công xây dựng, bằng mồ hôi, bằng nước mắt. Đó là băn khoăn không chỉ cho bản thân doanh nghiệp, mà còn những người gắn bó, đồng hành cùng tôi – từ nhân viên, các bạn hàng thân hữu, tới những khách hàng thân yêu. Thường tôi có thói quen viết, khi mình đứng trước một bước ngoặt quan trọng nào đó, và giữ lại cho riêng tôi. Nhưng dịp đặc biệt này, tôi xin mạn phép các anh chị, các em, cho tôi chia sẻ, vì tôi nghĩ đây cũng là tâm trạng chung của các chủ doanh nghiệp nhỏ, đang chèo chống giữa cơn sóng-thần huỷ-diệt này.

Công ty tôi – VietShipping, làm trong lĩnh vực vận chuyển hàng hoá từ Mỹ về Việt Nam. Ngay từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán, khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện và bắt đầu lan tràn ở Vũ Hán, Trung Quốc, tôi đã mơ hồ dự đoán rằng, chuỗi ngày khó khăn của các doanh nghiệp vận chuyển như bọn tôi sắp đến gần. Và xui xẻo thay, điều đó thành hiện thực. Các hãng hàng không vận chuyển hàng hoá (chủ yếu trong khu vực Châu Á) cắt giảm chuyến bay, dẫn đến việc giá cả tăng như phi mã. Không chỉ riêng công ty tôi, mà những công ty khác cùng ngành, theo tôi biết, cũng đều phải căng mình gồng gánh những chi phí phát sinh, và hi vọng mọi việc tốt đẹp hơn. Nhưng đến giờ, dường như mọi thứ càng đi theo chiều hướng xấu.

Sau cơn mưa, trời ắt sáng. Vấn đề là, chúng ta đủ khả năng chịu được cơn mưa dầm dề trong bao lâu, và có thể đứng vững để đón ánh cầu vồng sau mưa không? Tại thời điểm này, câu trả lời tôi dành cho riêng bản thân tôi là: “tôi không biết”.

Sau việc hãng hàng không cắt giảm chuyến bay, tăng giá, thì tới thành phố Houston chúng ta có lệnh “Stay home, work safe”, người dân hạn chế ra đường, các business không “thiết yếu” không được phép mở cửa. Chúng tôi là công ty vận chuyển, nên nằm trong doanh mục được cho phép hoạt động. Đến lúc này, tôi lại đứng trước ngã ba đường: “nên tiếp tục mở cửa, hay vẫn đóng?”. Đóng cửa lúc này là lựa chọn đúng nhất, cả về sức khoẻ cho cá nhân, lẫn kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp. Nhưng sau một hồi đắn đo, tôi đi đến giải pháp: mở cửa, và chỉ một mình tôi làm.

Business tôi, ngoài việc nhận hàng từ khách mang tới, còn nhận các bưu kiện từ khách ở các tiểu bang và thành phố khác, gửi bưu điện, Fedex, hay UPS tới tiệm, để chúng tôi đóng lại và gửi về Việt Nam. Đóng cửa, nghĩa là các hãng vận chuyển giao hàng tới tiệm, không có người ở đó, sẽ đặt hàng trước cửa, và dẫn đến khả năng những kiện hàng đó bị mất. Tôi đành cho nhân viên nghỉ ở nhà, và một mình, trang bị khẩu trang, găng tay, ngày ngày túc trực tiệm để nhận hàng, hay giải đáp thắc mắc của khách hàng gọi tới, cho những kiện hàng đang bay và đang chờ giao ở Việt Nam.

Nhiều người bạn khi biết tôi vẫn ra tiệm, hỏi tôi có lo sợ không? Câu trả lời là “có chứ!”. Con người ai chả yêu cuộc sống của mình, và lo lắng cho sức khoẻ của mình. Nếu có lựa chọn nào khác, tôi ắt sẽ chọn đóng cửa, vừa tiết kiệm tiền nhà, điện, nước, chi phí, vừa đảm bảo an toàn. Nhưng vì những lý do khách quan kể trên, tôi đành đưa ra lựa chọn như thế.

Tôi vẫn mở cửa, vì tôi cảm thấy chúng tôi cần có trách nhiệm với những kiện hàng quý khách gửi. Đó là nghề, đó là nghiệp mà tôi chọn. Vì thế, nếu không phải quá cần thiết, xin quý khách hàng ở nhà cho an-toàn qua mùa dịch. Nếu cần phải gửi tiền, hàng thiết yếu, như thuốc, máy móc thiết bị y tế về cho người nhà tại Việt Nam, xin quý khách khi tới tiệm hãy tuân thủ những quy định về giữ khoảng cách an toàn. Những hàng đang trên đường chuyển tới công ty, quý khách cứ yên tâm, đã có tôi lo 🙂

Lời cuối, tôi cũng chúc mọi người an toàn. Mong chúng ta cùng nhau vượt qua được cơn đại dịch này.

Houston, Texas
04/01/2020
-Viet